-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
TPHCM: Số ca mắc tay chân miệng vẫn ở mức cao
Đăng bởi TRẦN BỬU LỘC vào lúc 21/08/2023
Hiện số ca mắc tay chân miệng có khuynh hướng giảm xuống so với hồi tháng 7. Tuy nhiên, số ca bệnh và số ca nặng vẫn còn rất cao. Dự đoán ca mắc sẽ tăng cao trở lại khi trẻ tựu trường.
Theo ghi nhận của PV Báo Sức khỏe và Đời sống ngày 15/8, tại khoa Hồi sức Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) vẫn đang điều trị cho rất nhiều bệnh nhi mắc tay chân miệng, trong đó, có rất nhiều bệnh nhi phải đặt nội khí quản, thở máy.
Theo đó, hiện nay Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho hơn 150 trẻ mắc tay chân miệng. Các bệnh nhân chủ yếu được điều trị tại 3 khoa đó là khoa Nhiễm -Thần Kinh, khoa Hồi sức và khoa Hồi sức nhiễm.
Theo PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Trưởng khoa Hồi sức nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, có khoảng 5% bệnh nhi nhập viện do mắc tay chân miệng sẽ trở nặng. Tại khoa Hồi sức nhiễm hiện điều trị cho 4 bệnh nhân mắc tay chân miệng nặng, cần đặt nội khí quản, thở máy. Hiện có 3 ca đang được đặt máy thở và 1 ca vừa mới rút nội khí quản.
Bé trai V.G.H. 2 tuổi tới từ Cần Thơ đang được điều trị tại khoa Hồi sức nhiễm do mắc tay chân miệng. Bệnh nhi mắc tay chân miệng ngày thứ 9 và đang được điều trị đặt nội khí quản ngày thứ 3. Bé nhập viện trong tình trạng sốt cao, tay chân xuất hiện nhiều mụn nước, giật mình 2-3 lần/ ngày, mạch nhanh, thở đều, chưa ngưng thở, chẩn đoán bệnh độ 2a.
Tới ngày bệnh thứ 5, bệnh nhi bắt đầu có những cơn ngưng thở ngắn. Qua ngày thứ 6, trẻ xuất hiện nhiều cơn ngưng thở hơn nên các bác sĩ đã tiến hành đặt nội khí quản cho trẻ.
Cũng theo bác sĩ Nguyên, trung bình các bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng phải điều trị tại bệnh viện 7-10 ngày. Trong đó, trẻ sẽ phải thở máy từ 3-4 ngày thì tình trạng sẽ cải thiện.
Trưởng khoa Hồi sức nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, hiện tại số ca mắc đã có khuynh hướng giảm xuống so với hồi tháng 7. Tuy nhiên, số ca bệnh và số ca nặng vẫn còn rất cao. So với các năm trước thì năm nay nhiều trẻ không có biểu hiện sốt điển hình nhưng vẫn diễn tiến nặng. Đặc biệt, số trẻ phải đặt nội khí quản năm nay cao hơn rất nhiều so với các năm trước thậm chí cao hơn đợt bùng phát dịch năm 2011 khiến 150 trẻ tử vong.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia truyền nhiễm, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, sau khi được cung ứng thuốc Phenobarbital tĩnh mạch tỷ lệ trẻ tay chân miệng cần đặt nội khí quản, thở máy đã có dấu hiệu giảm xuống.
Bác sĩ Nguyên cho biết, trung bình mỗi trẻ sẽ dùng khoảng 1 ống Phenobarbital, trường hợp nặng bệnh nhân sẽ phải dùng tới 2-3 ống thuốc. Vừa qua bệnh viện vừa được cung ứng thuốc Phenobarbital, theo mức dùng như hiện nay thì số thuốc này có thể đủ dùng tới gần cuối năm.
"Sắp tới khi trẻ quay lại trường học tập trung ca mắc tay chân miệng có nguy cơ bùng phát trở lại. Theo đó, khoảng thời gian tháng 9,10,11 ca bệnh sẽ tăng và có thể trở thành đỉnh dịch thứ 2 của mùa dịch năm nay", bác sĩ Nguyên dự đoán.
Trưởng khoa Hồi sức nhiễm khuyến cáo, thời gian tới trẻ sẽ quay lại trường học, nguy cơ bùng phát ca bệnh tay chân miệng và các bệnh lây nhiễm khác rất cao vậy nên các phụ huynh và giáo viên tuyệt đối không lơ là chủ quan.
Phụ huynh và nhà trường cần chủ động phòng ngừa bệnh cho trẻ bằng cách tăng cường vệ sinh, rửa tay cho trẻ, tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên. Vệ sinh, lau chùi các bề mặt, dụng cụ, đồ chơi mà trẻ tiếp xúc hàng ngày.
Ngay khi trẻ xuất hiện các triệu chứng cảnh báo bệnh như sốt, loét miệng, bỏ bú, ăn kém, nổi hồng ban mụn nước ở tay chân... cần cho trẻ nghỉ học, cách ly trẻ bệnh với các trẻ khác và cho trẻ thăm khám tại các cơ sở y tế gần nhất.
Khi trẻ bắt đầu có các biểu hiện như giật mình, lừ đừ, chới với, kích thích, ngủ gà ngủ gật, li bì, khó thở... cần đưa trẻ tới bệnh viện gần nhất để tránh tình trạng bệnh trở nặng, ảnh hưởng tới thần kinh.